“Reading is important.
If you know how to read then the whole world opens up to you.”
Barack Obama
Ai cũng biết việc đọc sách là quan trọng vì sách là nguồn kiến thức vô giá mà bất kì người thầy nào cũng không thể mang đến cho ta suốt cuộc đời. Tuy nhiên, với lối học thụ động và không có người dẫn dắt nên tôi không thường đọc sách cho lắm trừ sách giáo khoa tôi buộc phải đọc để phục vụ cho việc học. Cho đến khi lên đại học, tiếp xúc nhiều bạn học, cơ duyên lại đưa tôi đến câu lạc bộ Sách của trường nên việc tiếp xúc sách và tài liệu đến với tôi một cách dễ dàng hơn.
Việc đọc sách của tôi bắt đầu từ năm 2019, đây là năm tôi tự đặt ra mục tiêu là “ĐỌC THẬT NHIỀU SÁCH”. Một mục tiêu không chuẩn SMART lắm nhỉ. Vì lúc đấy, mục tiêu tôi muốn chỉ là có một thói quen vui vẻ và tạo tình yêu với việc đọc sách mà thôi. Đến bây giờ đã gần hết năm, tôi bắt đầu tổng kết việc đọc sách của mình cũng như chia sẻ lại kinh nghiệm tìm sách, đọc sách với những bạn mới bắt đầu đọc sách như tôi.
| Nơi nguồn cảm hứng bắt đầu
Nói về nguồn cảm hứng, có thể nói đến một người bạn chung lớp Marketing của tôi. Không hẳn là mọt sách nhưng tôi thấy mỗi lần đi học là cô ấy lại mang theo những quyển sách với chủ đề khác nhau. Ở đại học, không phải môn nào tôi cũng thấy hứng thú. Có thể ở nhiều trường, bạn có thể ngủ, làm việc riêng hoặc chọn cách ở nhà! Nhưng đối với trường tôi, nội quy rất gắt. Chúng tôi không được đi trễ hoặc nghỉ quá 20% thời gian lên lớp (thường là < 3 buổi). Chúng tôi không được sử dụng điện thoại hay ngủ trong giờ học. Nếu không may bị bắt, tôi sẽ bị lập biên bản, hạ hạnh kiểm và trừ điểm rèn luyện. (đến khúc này chắc nhiều bạn cũng đoán được trường tôi là trường nào rồi đúng không :D).
Thế là, tôi mượn sách của cô ấy để đọc!
Không phải cuốn sách nào của cô ấy tôi cũng đọc được. Vì tôi muốn tiêu khiển chứ không muốn làm mệt não thêm. Thế là trong đóng sách ấy, có 1 quyển bé bé, mỏng mỏng, tựa sách cũng đủ hấp dẫn với tôi. Tên quyển sách ấy là “Bài học kỳ diệu từ chiếc xe rác” của David J. Polay.
Tôi đã đọc hết quyển sách ấy trong ca học dài đằng đẵng của mình.
Thực sự đây là một quyển sách đem lại hứng thú cho tôi. Vừa đọc, tôi lại chiêm nghiệm lại quá khứ của mình. Liệu, tôi có từng làm tổn thương người khác bởi sự bực tức của mình, tôi có từng bị tổn thương vì lời nói của một ai đó!
Tôi nhận ra, ngoài việc mang lại kiến thức, sách còn mang lại những quan điểm, cái nhìn thú vị, gần gũi như vậy.
| Những loại sách mà bạn có thể đọc
Tôi là một người khá khô khan. Tôi không có nhiều bạn bè vì tôi cũng ít khi ra ngoài chơi, tuổi thơ của tôi loay hoay với nhà và trường học. Các tác phẩm văn học, thơ từ ca phú tôi không thể nào cảm được… nếu không nhờ sách tham khảo. Tôi thực sự không cảm thấy hứng thú ở việc đọc sách cho đến hiện tại.
Tôi nghiền ngẫm lại trong quá khứ tôi đã từng hứng thú đọc khi nào.
Là khi tôi dành hàng giờ cho truyện ngôn tình!
Khi tôi nghiền nát cuốn bài tập Pascal nâng cao không có trong chương trình dạy. (Tôi bị ghiền Pascal trong khi nó là điều ám ảnh của nhiều học sinh trong những năm cấp 3).
Khi sách giáo khoa có những nhân vật gắn với tuổi thơ và có cốt truyện như: Tấm Cám, Trọng Thủy – Mị châu, Vợ chồng A Phủ, Hồn Trương Ba da Hàng Thịt,…
Bấy giờ tôi mới phân tích những thể loại tôi có thể tiếp thu. Đó là về:
- Kiến thức lĩnh vực tôi quan tâm
- Những câu chuyện khiến tôi cảm thấy thú vị
- Có sự liên tưởng đến thực tế của bản thân.
| Tôi có thể tìm sách ở đâu
Sau đây tôi sẽ chia sẻ với bạn cách tôi tìm kiếm và đọc sách. Đối với tôi, sách là nguồn thông tin chủ động mà tôi thu nạp vào, tôi chia chúng thành 2 trường phái online và offline.
Sách Online: Nguồn thông tin trực tuyến
Trường phái sách Online của tôi bao gồm:
Các Group tạo động lực trên facebook: Đây thường là những group có nhiều người có mục tiêu như tôi, họ tạo bài viết và tương tác mỗi ngày tạo động lực cho tôi rất nhiều. 10 group tiêu biểu mà tôi đã theo dõi từ lâu như:
- Dậy sớm đọc sách
- Tự học tiếng Trung
- Tự học IELTS 9.0
- VẼ MINH HỌA – Illustration
- Tự học TOEIC mỗi ngày
- Cộng Đồng Sketchnote Việt Nam
- web5ngay.com – Làm web kinh doanh không cần biết lập trình
- Café cùng Tony buổi sáng
- Không sợ béo
- Không sợ xấu
- Cộng đồng Bullet Journal Việt Nam
Các page/group có nội dung thú vị: Đây là những cộng đồng có những con người thú vị, tạo nên những nội dung thú vị. Những con người này cho tôi ý tưởng sáng tạo dồi dào và hứng thú vô bờ bến bởi những câu chuyện của họ.
- Deadline trong ngày
- Bà Dì Nulo
- Cà Rốt
- Ông tổ IELTS
- Thầy giáo tiếng Anh
- Quỳnh Aka
- Cảm hứng thiết kế
- Thư viện ngành
- Bắt một con Trend thả vào con Ten
- WhyPsychology
Các trang có nội dung hữu ích (với tôi): Những trang này có kiến thức ở lĩnh vực tôi quan tâm gồm: ngoại ngữ, kinh tế, thiết kế, marketing, content, sách,… Theo dõi những trang này giúp tôi cập nhật rất nhiều thông tin quan trọng cần thiết cho công việc và tài liệu nâng cao kĩ năng của mình.
- Kiến thức kinh tế
- DAS – Design Anthropology School
- Cộng đồng Designer Việt Nam
- Cộng đồng tài liệu thiết kế Việt Nam
- Cộng đồng chữa bệnh thất nghiệp
- UAN Marketing
- Viết 100 từ – 100 Daily Words
- DMA Network For Business
- Ted-Ed
- Mọt Sách Giấy – Review Sách Hay – Săn Sale Sách
Blog và website: Đây là một nguồn tiếp nhận thông tin mới mà tôi tìm hiểu gần đây khi bắt đầu viết blog cá nhân này, ngoài những nguồn thông tin “ăn liền” trên mạng xã hội, thì đây là nguồn thông tin tương đối chất lượng, có đầu tư và được tổng hợp một cách logic, chi tiết hơn so với nhiều nguồn thông tin hỗn tạp trên facebook. Blog thì gồm có blog hình ảnh và blog chữ và video.
Tôi có thể đi dạo Behance, Pinterest, Dribbble, Evernote.design,… để có idea để thiết kế.
Tôi đọc những bài viết hữu ích về marketing trên brandsvietnam.com, phamdinhquan.net,..
Tôi theo dõi các kênh youtube sáng tạo nội dung về: quay phim, chụp ảnh, thiết kế, nấu ăn, lifestyle, kênh dạy tiếng Anh, tiếng Trung trực tuyến, radio sách nói, tập thể dục,… tất tần tật những điều tôi quan tâm, tôi đều subscribe chúng.
Tóm lại, tôi đã theo dõi những kênh hữu ích với tôi và để chúng xuất hiện trước mắt tôi một cách thường xuyên, bất cứ khi nào tôi mở mạng xã hội hay youtube, tôi đã biến chúng thành một phần cuộc sống của tôi. Ai nói online facebook là vô bổ chứ, tôi đã trở thành một đứa nghiện facebook theo cách của riêng tôi!
Còn bạn thì sao?
Sách Offline: Sách giấy
Tiếp đến là nguồn sách Offline (hay sách giấy) – một thể loại khó nuốt mà không phải ai cũng có kiên trì thực hiện tới nơi tới chốn.
Tôi nhận thấy có 2 rào cản của việc đọc sách giấy mà nhiều bạn hay gặp phải, và ngay bản thân tôi cũng gặp phải. Đó là không muốn bỏ TIỀN để mua sách và CHÁN nản với việc đọc sách.
Hai trở lực này xuất phát từ việc bạn (hiện tại) chưa có hứng thú với việc đọc sách. Bỏ tiền để mua một thứ bạn không yêu thích và không có nhu cầu sử dụng đến thì rất là lãng phí phải không nào. Nếu bạn cố ra vẻ mua 1 2 cuốn sách bất kì để tập đọc thì rất có nguy cơ bạn sẽ bỏ dỡ giữa chừng vì cuốn sách vừa dày, vừa nhàm chán kia.
Vì thế, tôi sẽ chia sẻ tiếp cho bạn cách để có động lực mua sách giấy và đọc sách ở dưới đây nhé!
| Tạo động lực mua sách giấy và đọc sách
Những điều tôi chia sẻ dưới đây đều dựa vào kinh nghiệm cá nhân nên có thể sẽ đúng hoặc không đúng với bạn. Nhưng trước hết chúng ta sẽ giữ một tinh thần cởi mở với nhau. Đúng không nè!
Bước 1: Xem review sách
Khi mua một món hàng nào cũng vậy, nếu chưa có kinh nghiệm trong việc chọn lựa thì ta thường đi tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước, món nào được số đông người nhận xét tốt thì 80% nó thực sự có chất lượng.
Những kênh bạn có thể xem review sách trên facebook như:
- 30 phút đọc sách mỗi ngày
- Mọt sách giấy – Review & săn sale sách
- Dậy sớm và đọc sách
- Rodbooks – Cộng đồng đọc sách hay là chết?
- Đông A book
- RioBook
Những kênh thương mại điện tử có cách nhà sách online như: Tiki, Shopee Mall, Fahasa,…Bạn vừa có thể xem nhận xét của mọi người, vừa săn deal sách rẻ tại những trang này.
Sau khi xem tất tần tật những review ấy, bạn có nhận ra bạn thực sự yêu thích quyển sách nào không? nó có đủ động lực để bạn tậu ngay một cuốn đem về nhà chưa?
Tôi nhớ thời gian đó, mọi người review rất nhiều về các cuốn sách như: Khí chất bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu; Bạn đắt giá bao nhiêu; Giới hạn của bạn là điểm xuất phát của tôi; Sống thực tế giữa đời thực dụng; Bạn chỉ cần sống tốt trời xanh tự an bài; Nếu chỉ còn một ngày để sống; Mình là cá, việc của mình là bơi; Tư duy cá mập suy nghĩ cá vàng,….
Toàn là sách self-help cả, tựa đề và bao bì sách rất cuốn hút đến với tôi tại thời điểm đó và tôi đã rước chúng ngay về nhà. Đương nhiên là tôi phải chia từng đợt ra mua, vì lúc đó đam mê của tôi vẫn chưa đủ nhiều để bỏ số tiền lớn ra để mua sách đâu. Mua tầm 150K – 200K để được freeship trên Tiki thôi.
Nếu bạn không có nhiều tiền để mua sách mới thì bạn có thể mua sách cũ tại Hội trao đổi mua – bán sách cũ trên facebook. Đối với tôi, một người đang tập yêu, thì việc đầu tư để cho mình cho một trải nghiệm tốt vô cùng quan trọng. Cảm giác đập hộp. Ngửi mùi sách mới. Được tặng những món quà nho nhỏ do săn sale được thì rất là kích thích mà việc mua sách cũ không có được. Nếu lần đầu tiên bạn mua sách mà gặp phải những rủi ro như: sách bị rách, mọi người bảo bạn mua sách lậu, mua hàng bị lừa đảo,… thì coi như chưa yêu đã lỡ …mất nhau.
Bước 2: Tạo thói quen đọc sách giấy
Mua sách về rồi, vậy làm thế nào để có thời gian và động lực để đọc sách?
Đợt sách đầu tiên về, tôi cảm thấy rất vui. Chụp hình và up facebook các kiểu. Rồi để đó!
Vì thế tôi cảm thấy cắn rứt lương tâm và quyết tâm lập kế hoạch để đọc sách. Bắt đầu từ những cuốn sách mỏng nhất, tựa đề cuốn hút nhất với tôi. Mỗi ngày dù bận rộn tới đâu tôi buộc mình phải đọc 10 trang sách. Đi đâu tôi cũng mang theo sách vì tự nhủ là mình phải đọc sách. Lợi ích của việc mang theo sách là bất cứ khi nào bạn nhàm chán, thay vì là điện thoại, thì là sách. Nếu có ai hỏi, bạn cũng có dịp khoe khoan quyển sách bạn đang đọc, chia sẻ kinh nghiệm săn sách nghiệp dư của bạn. Đảm bảo bạn sẽ thích đấy! Và sẽ càng vui hơn khi gặp một người cũng bắt đầu đọc sách giống như bạn, chia sẻ cho nhau những quyển sách mà cả hai yêu thích.
Sau một thời gian, khi đã đọc gần hết mớ sách đã tậu về, tôi lại thèm mua sách, dù sách cũ tôi chưa có đọc hết, nhưng trên tinh thần là cứ nhiều sách thì tốt mà, dù gì tôi chả đọc. Giờ thì tôi cảm thấy ít cảm giác sót tiền khi mua sách hơn. Chi cũng mạnh tay đối với những quyển sách tôi bị thu hút.
Bước 3: Nâng cấp thể loại sách và duy trì thói quen
Sau khi mua sách về lần thứ 2, thứ 3 tôi phát hiện mình đã chán rồi. Tôi không thể đọc sách self-help thêm được nữa. Tôi bắt đầu tìm hiểu thêm những thể loại sách mới có ích với tôi hơn. Tôi tìm thấy Rio Book – nơi có những quyển sách về chuyên ngành marketing được thiết kế tuyệt đẹp, nội dung truyền thông cuốn hút và chỉn chu. Từ đó tôi đổ tiền vào những quyển sách này, càng đọc càng thích vì nó vừa là người bạn, người thầy mang đến kinh nghiệm trong ngành cho tôi dù tôi chưa có trải nghiệm. Thời gian sau đó, tôi học thêm design thì tôi mới biết sự liên kết tuyệt vời của Marketing và Design. Và cũng là Rio Book, gây dựng cho tôi một niềm tin mãnh liệt về mối tương quan giữa Marketing và Design, giúp tôi kiên trì việc đọc sách cho đến hiện tại.
Thành thật mà nói, với mục tiêu 10 trang sách mỗi ngày, tôi cũng không thực hiện được thường xuyên. Đối với sách self-help, tôi chỉ cần cố gắng lướt 1, 2 chương thì ngừng được hoặc nếu có mạch cảm xúc tôi có thể đọc tù tì nửa cuốn. Nhưng đối với những cuốn sách mang tính lý thuyết tôi cần thời gian nghiền ngẫm hơn và có khi đọc đi đọc lại vì có những chỗ tôi chưa “ngấm”. Tôi không có thói quen highlight trong sách vì tôi không thích sách của mình bị bẩn, nên tôi đã soạn văn bản trên máy tính để ghi lại mục lục. Ghi chú lại những điểm lưu ý trong từng chương để tôi có thể nhớ được nội dung hoặc từ khóa quan trọng. Khi tôi muốn đọc lại, tôi chỉ cần mở văn bản mà tôi soạn để đọc lại. Điều này sẽ giúp tôi đỡ tốn thời gian trong việc tìm kiếm và đọc lại sách.
Bước 4: Đúc kết
Sau một thời gian đọc sách, tôi đã đúc kết cho bản thân một phương pháp đọc sách để giữ nhiệt cho hứng thú đọc sách của bản thân.
Đầu tiên là lời giới thiệu, cái này hầu hết mọi người đều bỏ qua. Ở lời giới thiệu thường là lý do tại sao tác giả viết quyển sách này, quyển sách sẽ mang gì đến cho bạn. Mỗi cuốn sách là một người bạn mới, vậy tại sao chúng ta lại không mở đầu bằng một màn chào hỏi trước nhỉ! Ngoài ra bạn có thể hiểu hơn về tác giả thông qua những đoạn trích dẫn trên bìa sách chẳng hạn.
Tiếp đến là mục lục, mục lục là nội dung khái quát của toàn bộ quyển sách, bạn có thể đọc lướt xem mục lục cuốn sách gồm bao nhiêu chương và có tiêu đề chương nào thực sự ấn tượng với bạn không. Nếu có, thì hãy xem nó trước nhé! Vì bạn đang thích nó cơ mà. Mỗi lần mở quyển sách ra, mình lại tìm kiếm ở phần mục lục. Xem chương nào hấp dẫn với mình ngày hôm nay, mình đã đọc chương nào rồi, nội dung chương đó nói gì? Đó cũng coi như một cách để bạn dễ dàng nhớ được nội dung bạn đã đọc thông qua tiêu đề.
Quan trọng nhất là: đặt ra mục tiêu “có thể thực hiện được”cho bản thân. Mục tiêu ban đầu của tôi là mỗi ngày đọc ít nhất 10 trang sách trước khi ngủ. Nếu ngày đó quá mệt hoặc không còn tâm trạng để đọc thì tôi phải cam kết rằng mình phải bù bằng được vào ngày hôm sau. Nhưng sau đó, tôi thay đổi mục tiêu của mình là chỉ cần hiểu và ứng dụng được nội dung trong sách, thế nên tôi phải đọc sách với tinh thần tiếp thu và thoải mái nhất. Tôi đặt mục tiêu bao quát hơn như 1 tháng 1 quyển, 1 năm 10 quyển, miễn sao tôi có thể thực hiện được và tổng kết vào cuối năm.
Cuối cùng, đừng quên thực hành bạn nhé! Kiến thức sẽ là của ta khi ta vận dụng được chúng. Hãy áp dụng những điều bạn đọc được dù ít hay nhiều vào học tập, công việc, cuộc sống hay đơn giản là giữ vững tinh thần học hỏi, tích cực. Như vậy, lợi ích của việc đọc sách mới thực sự phát huy tác dụng của nó.
Đấy là toàn bộ những trải nghiệm của tôi về việc bắt đầu đọc sách, hi vọng bài viết này sẽ giúp ích và truyền cảm hứng và cho bạn.