Tôi cũng rất băn khoăn không biết nên giới thiệu cuốn sách gì đến mọi người vì mỗi người có một gu thưởng thức sách riêng. Tôi lại ngồi thẫn thờ miên man nhớ đến những chuyện ngày xưa, hồi tôi còn ngồi trên ghế phổ thông…
Lúc đấy tôi học văn dỡ lắm. Một phần vì tôi không có cảm xúc với các tác phẩm văn học. Một phần tôi cũng không có nhiều phương tiện để cập nhật kiến thức xã hội để làm văn nghị luận. Tất cả vốn liếng kiến thức tôi có là nhờ thầy cô đôn đốc cho. Vì thế điểm văn tôi ở trường không quá cao cũng không quá thấp. Chính hiệu một con học vẹt. Mà trí nhớ của tôi với những điều tôi không thích thì cũng… không tốt lắm. Tôi là một con vẹt dỏm. Thế là thời tôi đi thi đại học làm văn có đúng 3 mặt giấy rồi ra về, thấy nhiều người cứ xin thêm giấy nhìn mà ham. (5đ hoy nha bà con)
Lên đại học, tiếp cận với nhiều nguồn tri thức hơn, tôi mới làm quen với việc đọc sách, rồi bắt đầu làm quen với con chữ, với viết blog. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc về kỹ năng viết có tên là Khiêu vũ với ngòi bút của Joseph Sugarman – Phù thủy quảng cáo hàng đầu nước Mỹ. Để tôi nói 3 điều về quyển sách này đã thay đổi tư duy viết bài của tôi như thế nào cho các bạn nghe. Những điều này đã khiến một người không thích viết trở thành đam mê viết blog – là tôi. Tôi rất tâm đắc và đang cố gắng duy trì thực hành các điều dưới đây trong mỗi bài tôi viết.
- Mục đích duy nhất của câu đầu tiên trong một quảng cáo là khiến bạn đọc câu thứ hai.
- Chiếc cầu trượt – Độc giả của bạn nên bị cuốn vào việc đọc toàn bộ nội dung quảng cáo không thể ngừng lại cho đến khi đã đọc hết nội dung như thể tuột xuống một chiếc cầu trượt. (Sức mạnh của trọng lực đọc). => Chiếc cầu trượt kết hợp với kỹ năng phân cấp nội dung sẽ là phương thức tốt nếu bạn muốn đọc giả có thể hiểu toàn bộ bài viết dài của mình mà không tốn nhiều công sức đọc lại.
- Cảm xúc trong quảng cáo: Tất cả ngôn từ đều phải hàm chứa một cảm xúc và kể một câu chuyện.
Tuy nội dung của quyển sách này chỉ đề cập để viết một bài quảng cáo hay như thế nào nhưng tôi lại rút ra được một ý nghĩa khác là:
– Nếu tôi muốn viết cái gì đó cho ai đó đọc, thì phương thức nó cũng nên như thế này đúng không?
Thế là tôi áp dụng bằng cách sử dụng các ngôn từ đơn giản. Thay vì cố nhồi nhét các từ sáo rỗng thì tôi ưu tiên truyền vào bài viết một thông tin hữu ích nào đó. Phương thức này khiến một người không thích viết văn như tôi trở nên hứng thú với những điều mình viết và duy trì viết bài cho đến hiện tại. Thậm chí tôi cũng rất hay đọc lại các bài viết của mình.
Mục đích cốt lõi của việc tôi luyện viết là để hệ thống lại kiến thức, tư duy của mình. Càng viết tôi càng thấy tư duy mình ngăn nắp, có lý lẽ, có liên kết hơn. Nếu suy nghĩ về một vấn đề không lối thoát, tôi ghi nó ra và suy nghĩ đến những khía cạnh khác mới hơn, móc nối đến điều đang bị bế tắc, tránh việc lặp đi lặp lại không lối thoát.
Việc đọc sách và chọn lựa sách cũng tương tự như cách mà tôi viết. Sách là phương thức để tôi thu nạp kiến thức và tìm kiếm ý tưởng. Vì thế tôi thường ưu tiên sách có nội dung kiến thức thực tế hơn là các quyển sách có nội dung bay bổng. Tôi cũng cố gắng liên kết với bản thân vào nội dung cuốn sách bằng một cách nào đó. Tôi rất thích cách viết thực tế, logic rành mạch, có hệ thống. Gặp được tác giả nào dù ở trong sách hay ở mạng xã hội có tư duy và lối viết như vậy tôi hâm mộ không thôi. Cảm giác trượt trên chiếc cầu trượt của người khác cũng phấn khích không kém.
Để tránh lê thê tôi xin tóm lại như sau: Quyển sách này gồm 4 phần dài 439 trang, khá là nhiều thông tin hữu ích dành cho các bạn đang làm trong ngành quảng cáo, đặc biệt các bạn muốn trở thành copywriter. Nếu bạn đơn thuần chỉ là muốn tìm kiếm một phương thức nào đó để ghi chép thì quyển sách này cũng là một gợi ý hay dành cho bạn. Và nếu bạn hỏi: làm thế nào để bắt đầu viết, làm thế nào để viết hay thì bạn cứ hay viết đi đã.
Thông tin thử thách: Tại đây.
Chủ đề ngày 3: Viết 800 chữ giới thiệu về một bộ phim
————–
14 NGÀY VIẾT GÌ ĐÓ
#14dayschallenge #14dayswritesomethinggood