Hành trình người hướng nội làm Marketing

Tôi đã bắt đầu công khai Blog Kẻ Không Chuyên bằng cách kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Lúc đầu bài viết được chia ra 3 phần với 3 giai đoạn trưởng thành khác nhau của tôi. Tôi đã chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi khác nhau. Tôi chẳng hiểu sao người ta có nhiều sự đồng cảm đến thế mặc dù tôi thấy những điều tôi trải qua đều là do tôi chọn lựa. Có lẽ họ không quen biết tôi hoặc cách viết của tôi gây hiểu lầm. Bây giờ tôi đã kết hợp chúng vào một bài và có thể sẽ không có ai đọc nó đâu vì nó cũng thực sự dài. Nhưng nếu ai đó muốn tìm hiểu tôi một cách chi tiết hơn thì cũng có thể đọc, tôi cũng không ngại chia sẽ quá khứ của mình cho bạn. Tôi cũng muốn cho bạn biết quá trình phát triển của tôi cũng như một phần tính cách, suy nghĩ của tôi, đó là lý do tôi vẫn giữ lại bài viết này thay vì xóa đi.

Một chút bối cảnh của Kẻ Không Chuyên

Tôi đánh giá bản thân trong quá khứ là một người hướng nội. Vì từ nhỏ tới lớn tôi đều sống với thế giới nội tâm của mình, rất ít chủ động kết bạn với người khác. Không phải vì tôi nhút nhát, mà là vì tôi thấy bạn bè có cũng được mà không có cũng không sao.

Ở cấp 1 và cấp 2, tôi đã từng bị cô lập, không một ai chơi với tôi cả. Tất cả đều bắt đầu vào một buổi sáng thức dậy, tự nhiên tất cả bạn bè trong lớp thái độ lạnh nhạt hơn bình thường. Tôi nhận ra vì tôi là một người khá nhạy cảm. Mà điều đó không ảnh hưởng gì lắm, vì không có họ tôi vẫn tỏa sáng, vẫn là một học sinh ngoan, thầy cô ba mẹ đều thương yêu tôi. Cho đến khi một buổi sáng khác, họ đối xử bình thường lại với tôi, cười cười nói nói, tôi biết họ đã trở lại.

Tôi từng chơi với một cô bạn bị cô lập, sau đó tôi cũng bị cô lập vì chúng nó bảo tôi đừng nói chuyện với cô bạn đó nhưng tôi lại không nghe, rồi chúng nó lại chơi với đứa mà chúng nó cô lập với điều kiện là nghỉ chơi với tôi. Và đúng là cô bạn đó nghỉ chơi với tôi để được chơi với những đứa khác. Tư duy của tụi nó khá là khó hiểu, chơi và nghỉ chơi xoay như chong chóng.

Nhà tôi cách trường khoảng 5 phút đi bộ, vì thế tan học là tôi chạy về nhà ngay nên tôi cũng ít đi chơi với bạn bè, sinh nhật cũng ít khi được mời. Tôi đã từng ghét chúng nó hỏi bài tôi, tôi ghét chúng nó đánh nhau trong lớp, tôi ghét chúng nó bảo đàn anh, đàn chị vào để dằn mặt mấy đưa yếu đuối khác, tôi ghét chúng nó trêu chọc nhau bằng lấy tên phụ huynh ra…

Học xong lớp 9 tôi nung nấu một suy nghĩ là nếu tôi vẫn học cấp 3 ở đây, tôi phải tiếp tục học chung với chúng nó trong 3 năm hay sao? Chung một mái trường, chung một con đường về khó mà không đụng nhau được. Thế là tôi quyết tâm thi lên trường chuyên tỉnh để… đổi bạn.

Trường cấp 2 tôi học là một ngôi trường huyện không có tiến tăm gì, rất ít người thi đỗ trường chuyên. Phải là học sinh xuất sắc lắm hoặc có điều kiện mới có thể lên thị xã ôn luyện vào trường chuyên. Cơ hội của tôi thật nhỏ nhoi vì tôi chỉ là một học sinh giỏi bình thường. Nhưng mà cứ liều thôi, rớt thì cùng lắm thì học trường huyện, tôi cũng không phải trả giá nhiều cho quyết định này nên khá là thoải mái.

Hên xui may rủi làm sao, tôi đậu vào trường chuyên với điểm số không quá đẹp. Sỉ số lớp 28 đứa mà tôi tận hạng 25. Mà thôi dù sao cũng đậu rồi.

Nhưng chuyện này cũng không vui được bao lâu vì tôi không thể hòa nhập với lớp. Lớp toàn là dân thị xã với nhau, cùng học một trường ra nên ai cũng có bạn cả, lại toàn người giỏi hơn tôi và tôi hoàn toàn không có đất thể hiện trong môi trường này. Tôi như đứa trẻ đạt được món đồ chơi mình thích rồi lại chợt nhận ra nó không vui như mình tưởng… Môn hóa yêu thích trở nên chán nản, tôi chẳng thiết tha học hành chỉ cố duy trì cho việc không để học lực trung bình sẽ bị mời ra khỏi trường. Cấp 3 trôi qua thật mau và tôi không còn nhớ gì về những điều xảy ra ở đây. Như một kí ức bị đánh cắp.

Chân trời mới cho người hướng nội

Không mấy thành công từ những năm cấp 3, tôi quyết tâm xây dựng một hình ảnh khác ở đại học. Tôi chọn quản trị kinh doanh vì lúc thi xong đại học tôi không biết tương lai tôi đi về đâu. Lớp tôi chuyên hóa nên chúng nó vào Bách Khoa cả, tôi thì chán hóa lắm rồi nên sẽ không dẫm vào vết xe đỗ lần nữa. Bạn thấy đấy, con người tôi vốn dĩ nhát gan. Gặp khó khăn hay khó chịu là tôi bỏ chạy ngay! Tôi không biết những người hướng nội khác có như tôi hay không nhưng bỏ chạy là cách tôi bảo vệ bản thân mình khỏi bị tổn thương, vì thế tôi rất ít khi xen vào câu chuyện của người khác.

Môn học đầu tiên ở trường đại học của tôi là giáo dục quốc phòng. Ngày học đầu tiên rất sôi nổi vì toàn dân tỉnh lên cả, chúng tôi trao đổi tên, quê quán của nhau. Tôi cảm thấy cảm giác bắt đầu này không tệ. Thầy cho bầu chọn lớp trưởng và trung đội trưởng vậy là tôi xưng phong lên làm. Lúc thuyết phục mọi người tôi có hơi lớn tiếng vì tôi không kiểm soát được giọng nói của mình do sợ mọi người không nghe được giọng nói của tôi, hoặc sợ họ phát hiện tôi đang sợ hãi. Chắc có lẽ vì vậy thầy thấy tôi gan dạ hơn người nên cho tôi làm Trung đội trưởng. Chưa bao giờ tôi muốn người khác yêu thích mình nhiều như lúc đấy.

Nhiệm vụ của một Trung đội trưởng là quản lý các tiểu đội và điều khiển việc diễu hành quân. Chào ôi, tôi muốn khóc triệu dòng sông bởi sự xúc động nhất thời của mình vì bình thường tôi đi diễu hành còn không đúng huống chi là trở thành người điều lệnh – vừa phải đi chuẩn, vừa hô to khẩu lệnh vừa canh hàng chỉnh động tác cho những thành viên khác. Kinh khủng hơn là tôi phải huấn luyện cho đại đội tham gia hội thao toàn trường.

Để tránh bị mất mặt. Nhân lúc thầy còn dạy lý thuyết, tôi ngày nào cũng luyện tập đi điều quân cả. Tôi tập đi một mình. Tôi đi lệnh từ trường đi bộ về phòng trọ. Lúc nào đi là miệng tôi cũng lẩm bẩm 12 12 12… Tôi cũng xem Youtube để học cách hô khẩu lệnh cho đúng. Thế là buổi thực hành đầu tiên cũng qua trót lọt. Không có hành động ngu ngốc nào xảy ra. Cảm giác của tôi biến hóa rất kỳ diệu. Tôi cố gắng luyện tập cho bản thân tôi và phối hợp với mọi người đi thật tốt. Dù tôi khàn cả giọng hay mọi người mệt mỏi. Tôi đều động viên, khích lệ mọi người cố thêm chút nữa, cũng là khích lệ bản thân tôi.

Không phụ công sức đã bỏ ra, đại đội tôi đã đạt được hạng 2 toàn trường. Nhưng nghe tin thì tôi vẫn hụt hẫng lắm, không bật lên cảm xúc vỡ òa như mọi người được. Tôi nghĩ chắc là do mình còn sai sót ở đâu đó nên mới ra kết quả như vậy. Lòng trầm đi 1 nhịp. Nhưng sau đó là thầy bảo với tôi giám khảo chấm hạng 2 vì đại đội tôi không mặc quân phục (lúc học quốc phòng thầy tôi sợ chúng tôi tốn kém nên cho phép chúng tôi học mà không cần thuê đồ, nên lúc thi chúng tôi mặc đồ thể dục). Tôi lúc đấy mới được an ủi phần nào. Bạn thấy đấy, câu chuyện trên có vẻ không liên quan, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết cách làm chủ bản thân mình, cân bằng lại cảm giác thành tựu, háo thắng mà từ lâu bản thân tôi đã đánh mất. Bạn có thể thấy tôi hơi tự cao và không biết đủ, nhưng biết sao được, có loại người như tôi vậy, chỉ thấy thiếu sót của bản thân mà không thấy bản thân đã nổ lực thế nào, luôn nghĩ về chiều hướng tiêu cực của bản thân. Như cảm giác những bạn thi 9.5 điểm mà khóc những bạn khác có hiểu chăng! Còn tôi đã đánh mất cảm giác đó từ khi học cấp 3 vì khi đó tôi đã hoài nghi năng lực của mình.

Tiếp tục những môn học khác, với tinh thần còn cháy như vậy. Tôi đều ra sức làm lớp trưởng hoặc tổ trưởng. Thứ nhất là tạo động lực để tôi phấn đấu. Thứ hai là tôi buộc phải có trách nhiệm, tôi không cho phép bản thân bỏ chạy. Thứ ba là tôi sẽ chủ động trong việc học tập hơn. Bạn thấy đấy, tôi đã trở nên dũng cảm hơn, chủ động hơn và tích cực hơn. Từ đó tôi có những mối quan hệ bạn bè đông đúc hơn. Họ đến với tôi vì nghĩ tôi giỏi, nghĩ tôi giàu năng lượng vì tôi có mặt ở hầu hết mọi phong trào. Họ muốn giúp đỡ gì tôi đều giúp cả, thậm chí những điều tôi không biết tôi cũng tự tìm hiểu để nói lại cho họ. Nhìn có vẻ tôi hơi rảnh hơi thật, nhưng đó là cách tôi giữ vững tinh thần nhiệt huyết của bản thân. Tôi nghĩ tinh thần này rất có lợi, nhất là khi bạn là một sinh viên khoa quản trị. Bạn cần phải năng động hơn, hoạt náo hơn và năm bắt thông tin nhanh nhạy hơn những sinh viên khoa khác. Bạn muốn là người nổi bật hay là người bị mọi người quên lãng – đến cả ghép nhóm ai cũng sợ bạn vào chung nhóm? Tôi chọn là người thứ nhất vì tôi không muốn trở thành một người bị quên lãng.

Tôi từ một người khá nội tâm xoay 180 độ thành người được mọi người cho là hướng ngoại, vô cùng năng động. Nhưng mọi người biết đó, người hướng nội đâu tự nhiên quay ngoắc thành người hướng ngoại ngay được. Nó chỉ là biểu hiện bên ngoài thôi. Thật ra bên trong nội tâm tôi rất là mệt mỏi. Các hoạt động bên ngoài đốt cháy năng lượng của tôi, làm tinh thần, thể xác tôi cạn kiệt sức lực khi về nhà. Tôi cần lắm những khoảng lặng, lúc mà tôi không cần giao tiếp với ai. Tôi tạm buông bớt những hoạt động để bản thân thoải mái hơn. Tập trung chiều sâu hơn là những lớp ngụy trang nổi trội bên ngoài. Tôi bắt đầu đi làm thêm ở năm 2 đại học, công việc tôi thì chỉ là phục vụ ở cửa hàng tiện lợi Circle K thôi vì kiến thức chuyên môn tôi chưa đủ để làm những công việc liên quan, mà lúc đấy tôi cũng khao khát có được cái máy tính để có thể tự học. Tính tôi đó giờ rất ngại mở miệng để xin ba mẹ bất kì điều gì, ngay cả tiền bạc. Tôi là một đứa trẻ không biết vòi vĩnh, cho bao nhiêu thì tôi nhận bấy nhiêu.

Tôi đã tự tiết kiệm được tiền để mua máy tính và học thêm mấy khóa thiết kế đồ họa tôi đang mê mẩn. Lý do là tôi thấy sức mạnh kì diệu của thiết kế: các câu lạc bộ rất ưu ái sinh viên biết thiết kế, slide thuyết trình đẹp sẽ được điểm cao hơn, các nhóm học tập đều thích một người có khả năng thuyết trình hoặc có khả năng thiết kế làm thành viên,… Vì để không bị tuột hậu, trong vòng 1 năm đi làm tôi đã chắt chiu mua được cái máy tính đủ khả năng xử lý đồ họa với giá hời và có tiền học thêm thiết kế đồ họa. Thời gian đó tôi dường như thiếu ngủ cực kỳ, ai làm Circle K cũng biết nó bào sức nhất là những ca đêm. Lên lớp học tôi cũng không còn ôm đồm nhiều như lúc trước. Tôi sẽ vẫn làm nhóm trưởng với những nhóm tôi không mấy tin tưởng lắm, còn những nhóm có bạn bè tôi tin tưởng tôi sẽ làm thành viên cho đỡ trách nhiệm. Hoạt động phong trào tôi cũng điều tiết lại, những hoạt động lớn hoặc có điểm rèn luyện cao tôi sẽ đi. Cuộc sống tôi cân bằng học tập, rèn luyện và đi làm như thế.

Thật cảm động vì lần đâu tiên tôi viết bài mà có nhiều bạn ủng hộ đến thế, tôi muốn thật nhanh chia sẻ những bài học mà tôi đúc kết được trong quá trình đi học của mình cho các bạn đang chuẩn bị lên đại học hoặc đang học đại học. Chỉ cần biết cách kiểm soát bản thân là bạn có thể kiểm soát được những mối quan hệ xung quanh của mình, đó là bài học tôi học được ở những năm đầu đại học. Sau đó tôi đã biết điều tiết năng lượng bản thân vì nhiều lúc người hướng nội cố sức đuổi theo những tiêu chí không phải dành cho mình gây mệt mỏi và rơi vào trạng thái tiêu cực.

Bài viết đã dài nên chắc tôi tạm dừng ở đây để mở đầu cho part 3, lúc mà tôi nhận ra những điểm mạnh của bản thân và kết nối với những kỹ năng marketing phù hợp với tôi. Trường học chỉ dạy cho bạn nền tảng của kiến thức, họ sẽ dạy tổng quát về marketing như về nguyên lý marketing (những thuật ngữ, khái niệm cơ bản trong ngành), dạy tổng hợp các môn như quản lý nhân sự, truyền thông tích hợp, digital marketing, tổ chức sự kiện, chiến lược marketing, quản trị thương hiệu,… thậm chí là về nguyên lý kế toán, xác xuất thông kê,… Qua mỗi môn học là một lĩnh vực ngành nghề của marketing mà bạn có thể đào sâu hơn để ra đời làm việc. Tình trạng của sinh viên sau khi ra trường là trách trường dạy bao quát quá nên ra đời không biết làm gì, dẫn đến mông lung và những oán trách. Tôi thì rất biết ơn trường học và những thầy cô bộ môn đã cho tôi biết những chìa khóa (keywords) để tôi hiểu biết thêm về ngành, dù môn đó tôi có hứng thú hay cảm thấy chán nản. Chán nản với một môn nào đó cũng là một dấu hiệu giúp bạn nhận ra lối đi này không phù hợp với bạn, bạn cần phải đi hướng khác. Bạn phải thấy may mắn vì bạn không phải giỏi tất cả các môn.

Những cải thiện của bản thân và tiếp xúc với Marketing 

Một trong những lầm tưởng của người hướng nội mà tôi biết là họ bảo do họ sống nội tâm nên kỹ năng giao tiếp họ kém, đứng trước đám đông là người lạnh toát, mồi hôi tay cứ tuôn ào ạt, bao nhiêu chữ nghĩa trong đầu cứ bay đi hết. Trong khi đối với những cuộc nói chuyện thân mật 1-1 họ có thể nói không ngừng nghỉ. Điều này tôi cũng mắc phải. Tôi nghĩ nó xuất phát từ nỗi sợ hãi của tất cả mọi người không chỉ riêng người hướng nội, mà nỗi sợ hãi thường xuất hiện khi nó là LẦN ĐẦU TIÊN. Do trước giờ tôi ít nói chuyện, do đầu tiên tôi đứng trước đám đông xa lạ, do đầu tiên tôi phát biểu ý kiến trước không gian rộng lớn như thế ,… Qua lần thuyết trình thứ nhất, qua lần thuyết trình thứ 2 rồi lại thứ 3,… tôi thấy mình đỡ sợ hơn rất nhiều và điểm nào được giáo viên hay bạn bè góp ý trong lúc thuyết trình tôi điều cố gắng cải thiện ở những lần sau. Một số lỗi thuyết trình và giao tiếp tôi đã từng cải thiện như:

Eye Contact – tương tác ánh mắt với những người bên dưới bục giảng

Nếu không nhìn một ai đó khi đang nói, tôi sẽ như một kẻ độc thoại đứng trên sân khấu 1 cách vô định, người ta thấy tôi như đang nhìn trần nhà trong khi tôi vẫn nhìn thấy tất cả mọi người. Tôi đã cố gắng tìm một vài người quen nào đó, nhìn họ như đang nói chuyện với họ.

Body Language – Truyền tải thông tin bằng hành động cơ thể

Đứng yên 1 chổ trông khiến tôi hơi thụ động và tay chân như thừa thải không biết đặt ở đâu. Tôi đã bắt chướt một số động tác phù hợp với cá tính của tôi để trông bản thân tự nhiên hơn.

Nói chậm rãi

Tôi không có khả năng nói liên thanh như một cái máy thuộc làu làu. Tôi chọn cách nói chậm rãi, từ tốn truyền tải đủ thông điệp đến người được nghe. Đôi lúc tôi cũng hay bị áp lực thời gian. Nhưng từ từ rồi tôi cũng kiểm soát được. Tôi thấy điểm mạnh của những người hướng nội là họ có phong cách rất bình thản, nhẹ nhàn không sốc nổi. Điểm này của họ rất dễ gây thiện cảm với người nghe và tôi đang cố gắng để được như vậy.

Còn nhiều lỗi thuyết trình khác mà bạn có thể tự tìm hiểu cho chính bản thân của mình. Tại sao tôi lại nói về vấn đề thuyết trình này nhỉ? Nó liên quan gì đến marketing?

Nó rất liên quan đó chứ!

Nếu bạn chinh phục kỹ năng thuyết trình của bản thân là bạn đã có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời, bạn có thể tự do làm chủ sân khấu của bạn, ý tưởng của bạn. Không ai thuê một kẻ thụ động, không hoạt ngôn làm marketing cho bộ phận của mình. Ít nhất bạn phải qua vòng tuyển dụng trước khi là chính bạn!

Tôi từng luyện tập kỹ năng giao tiếp trong lúc làm việc ở Circle K, quy trình ở đấy buộc tôi chào khách khi vào: Circle K xin chào!. Tạm biệt khách đi: Circle K tạm biệt. Up-selling: Hôm nay kẹo abc có chương trình khuyến mãi, anh/chị có muốn mua thêm không ạ? Những nhân viên khác thường sợ bị trừ điểm nên họ chào hỏi rất hời hợt, nhưng tôi thì lại luôn luôn chào khách hàng một cách rõ ràng. Như một cái máy tự động, tôi lặp đi lặp lại đoạn hội thoại của mình vì tôi có khán giả miễn phí, họ lại chẳng biết tôi là ai. Thay đổi tông giọng nói sẽ khiến câu nói chào hỏi cứng nhắt trở nên mát lòng, mát dạ người nghe.

Bạn có thích quảng cáo không? Chắc đa số là không vì thấy quảng cáo là bạn vội muốn bấm next ngay. Nhưng nếu chuyên ngành của bạn là marketing, bạn buộc phải xem quảng cáo rồi. Tôi từng đọc một quyển sách, là quyển Quảng cáo không nói láo. Quyển này nói rất nhiều về quảng cáo và đại loại tôi ấn tượng khi tác giả đề cập là từ nhà cho đến chổ làm hoặc chổ học của bạn là một cuộc chiến khốc liệt của các thương hiệu. Bạn có thể gặp vài trăm quảng cáo mỗi ngày, nhưng cái đọng lại trong đầu bạn rất ít và người làm marketing phải chiến đấu sao cho nhãn hiệu của mình được lưu vào bộ nhớ của bạn. Tôi khá hứng thú và quan sát con đường tôi đi học hằng ngày. Có bao nhiêu thương hiệu lớn nhỏ quảng cáo trên đường tôi đi học, thông điệp họ muốn truyền tải với tôi là gì? Hôm nay quảng cáo sữa Milo trên banner cầu Kênh Tẻ đầu tư thật, làm hẳn một đôi giày siêu to khổng lồ. Hôm nay tôi thấy banner Milo bị đổi rồi, là quảng cáo cho bánh Oshi, KOL là một cô gái trong danh sách bạn bè tôi,…

Còn ở Circle K, mỗi lần đi xếp hàng hóa lên kệ (chúng tôi hay gọi là đi fill hàng), tôi đều xem kỹ lưỡng và nhớ tên thương hiệu, sắp xếp chúng ngay ngắn và thẳng tắp trên kệ. Tôi đã biết được chẳng hạn như: nước suối Aquafina là anh em của Pepsi thuộc tập đoàn Pepsico, Dasani là anh em của Coca-Cola,… Mỗi thằng đều được đầu tư sân khấu riêng (tủ lạnh của hãng cung cấp). Những thằng anh em khác của Coca và Pepsi thằng nào bán chạy hơn thằng nào, thằng nào hôm nay mới ra sản phẩm mới,… Còn nhiều điều khác mà tôi biết được thông qua một của hàng tiện lợi nho nhỏ như thế và điều này giúp tôi liên tưởng dễ dàng khi thầy cô giảng bài trên lớp. Các buổi gặp mặt bạn bè chúng tôi cũng hay thảo luận trao đổi kiến thức với nhau về thương hiệu.

Còn nhiều điều tạo cảm hứng cho tôi ngay từ những năm cuối cùng của đại học. Tôi đã vừa kịp chuẩn bị kha khá hành trang trước khi vào đời từ kiến thức cho đến kỹ năng. Tìm một công ty thực tập trong năm cuối đại học cũng là một trong những bước tiến giúp tôi định hình rõ tương lai sau này hơn.

Thế là tôi đã kết thúc Hành trình người hướng nội làm Marketing ở đây. Bạn có thể thấy chân dung một người hướng nội làm Marketing thông qua tôi – một người bình thường không có gì quá đặc biệt, nổi trội. Tôi cũng có nhiều rắc rối của bản thân và tôi khắc phục chúng từng ngày. Tôi đã đánh trắc nghiệm tính cách BMTI nhiều lần và vẫn giữ ổn định ở tỉ lệ xấp xỉ một nửa hướng nội, một nửa hướng ngoại. Câu chuyện kết thúc nhưng thực tế hành trình học hỏi của tôi vẫn đang tiếp tục.

 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *